Tóm tắt nội dung
Digital Marketing là gì ?
Digital Marketing dịch một cách sát nghĩa sang tiếng Việt là Truyền thông kỹ thuật số. Như tên gọi, Digital Marketing sẽ là Truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số. Tức là, bạn sẽ xây dựng nhận thức, quảng bá thương hiệu hoặc sản phẩm của mình hoặc công ty « trực tuyến » bằng tất cả các kênh kỹ thuật số hiện có.
Chúng ta thường nghĩ ngay đến Facebook Advertising hay Google Adwords khi nhắc đến Digital Marketing mà quên mất bản chất của nó là tất cả các tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số. Bạn cần hiểu cho kỹ nền tảng ở đây không chỉ là các ứng dụng công nghệ trực tuyến website, email, mạng xã hội, … mà còn cả trên những thiết bị điện tử như tivi, radio, điện thoại, màn hình LED ngoài trời, … Nhiêu đó cũng đủ để thấy thế giới Digital Marketing rộng lớn đến chừng nào.
Tại sao chúng ta cần Digital Marketing?
Theo một báo cáo của Nielsen, 9 trong 10 người Việt (90%) sở hữu điện thoại thông minh như là thiết bị cá nhân của họ. Và người Việt đang dành trung bình hơn 24,7 giờ để online trực tuyến hằng tuần. Các thống kê này đã chỉ rõ tầm quan trọng và sức mạnh của truyền thông số.
Không chỉ ngẫu nhiên mà chỉ với phương diện người dùng nhiều có thể khẳng định Digital Marketing trở nên phổ biến. Bạn sẽ hiểu được sự phát triển tất yếu của nó dựa vào các lý do sau:
1. Digital Marketing có thể thực hiện với chi phí thấp
Không cần phải chuẩn bị một ngân sách khủng để tổ chức sự kiện hay in poster, tờ rơi quảng cáo nữa. Vẫn với mục tiêu là quảng bá hình ảnh, chỉ với vài chục ngàn, bạn đã có thể chạy được quảng cáo Facebook và tiếp cận được khách hàng mong muốn, không những thế mà hình ảnh còn rất sinh động.
2. Kết quả của Digital Marketing có thể đo lường được trong thời gian thực
Đối với những kênh quảng cáo truyền thống, thật khó để theo dõi các thông số cũng như phản hồi từ khách hàng. Nếu có chỉ dựa trên một số thống kê nhất định qua nghiên cứu thị trường.
Tuy nhiên Digital Marketing, bằng cách sử dụng các công cụ và phương pháp, chúng ta có thể phân tích được chiến dịch marketing của mình đang ở đâu và nắm bắt được những gì đang diễn ra.
3. Digital Marketing có thể tiếp cận nhiều hơn, đúng đối tượng hơn
Bạn có tự hỏi tại sao quảng cáo Facebook có thể hiện ra trước mặt và trùng hợp lạ kỳ với nhu cầu hiện tại của bạn? Đúng là thế, các kênh quảng cáo trực tuyến hoàn toàn biết được nhu cầu của khách hàng và đem đúng thứ cần đến cho họ. Thêm vào nữa, những quảng cáo này không chỉ gói gọn ở phạm vi của 1 quốc gia, mà nó có thể tiếp cận người dùng trên toàn thế giới nếu bạn yêu cầu. Đây là 2 điểm ưu việt mà bạn khó có thể tìm thấy được ở marketing truyền thống
4. Digital Marketing có mức độ tương tác cao hơn
Theo hành vi người dùng, chúng ta rất khó chịu với những cuộc gọi ngẫu nhiên để quảng bá sản phẩm khi không có nhu cầu. Tuy nhiên khi cần tìm hiểu sản phẩm, người dùng lại chuộng hơn các tin nhắn hay bình luận trực tuyến trước khi quyết định gọi số hotline hay đến cửa hàng. Điều này Digital Marketing có thể hoàn toàn cung cấp cho bạn, hỗ trợ bạn hay doanh nghiệp có thể dễ dàng trò chuyện hay trao đổi với khách hàng.
5. Digital Marketing dễ dàng theo dõi và phân tích
Đây là điều không chỉ những người marketer mà cả chủ doanh nghiệp rất thích. Bởi họ hoàn toàn biết được những gì đang diễn ra, hành vi người tiêu dùng, kết quả của chiến dịch, … dựa trên các công cụ đo lường trực tuyến. Để từ những số liệu thực này họ thể đánh giá kết quả công việc thuận lợi hơn hay có thể suy nghĩ và phân tích trên chính kế hoạch của họ làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn.
Tổng quan về Digital Marketing
Digital Marketing sẽ bao gồm 2 kênh chính là kênh Digital Online Marketing và Digital Offline Marketing. Hiểu một cách đơn giản là vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật số, một kênh thuần về các hoạt động mà chỉ khi mình online mới có được kênh còn lại liên quan đến các thiết bị điện tử.
1. Digital Online Marketing bao gồm những gì?
1.1. Search Engine Optimization – SEO
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm – SEO – đây là quá trình làm ảnh hưởng đến khả năng hiển thị, thứ hạng của một website trong kết quả của một công cụ tìm kiếm. Tại sao SEO lại có ý nghĩa trong Digital Marketing? Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người dùng. Khi cần tìm hiểu một vấn đề hay sản phẩm, chúng ta sẽ bắt đầu với một tìm kiếm trực tuyến. Khi chưa biết gì hết, chúng ta sẽ có xu hướng chọn những kết quả ở đầu trang tìm kiếm. Và thế là vấn đề được giải quyết cho những người Maketer, tìm cách đưa website của mình lên hạng và cơ hội để tiếp cận khách hàng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên với một website hoàn toàn mới, để đưa nó lên vị trí top trong kết quả tìm kiếm không hề đơn giản. Đó là kết quả của một quá trình bền bỉ nỗ lực để thuyết phục các công cụ tìm kiếm rằng website của mình xứng đáng ở vị trí đó. Và khi đã lên top không đồng nghĩa với việc bạn sẽ ở đó mãi mãi mà phải thường xuyên cập nhật để chứng minh được vị trí của mình.
Có rất nhiều cách để tối ưu hóa website cho các công cụ tìm kiếm. Và 3 yếu tố quan trọng nhất chúng ta cần phải quan tâm khi làm SEO là:
- Content: Các bài viết thật sự cung cấp giá trị cho người đọc
- Backlink: Các liên kết trên các website khác trỏ về website đang tối ưu hóa
- RankBrain: Thuật toán của các công cụ tìm kiếm
1.2. Pay-per-click Advertising – PPC
Pay-per-click về cơ bản đây là cách mua lượt truy cập vào website của bạn, bạn phải trả phí một khi người dùng nhấp vào quảng cáo của bạn.
Đây là một cách tiếp thị hữu hiệu khi bạn có thể tiếp cận gần hơn đến người dùng đang có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bạn. Các nhà quảng cáo sẽ đặt giá thầu cho vị trí quảng cáo trong liên kết được tài trợ bởi một công cụ tìm kiếm hoặc mạng xã hội (Google, Facebook, …) Chỉ cần dự đoán người sẽ xem quảng cáo dựa trên các tiêu chí: nhân khẩu học, nhu cầu và sở thích, các quảng cáo sẽ tự xuất hiện đến các đối tượng mà bạn chọn.
Mặc dù đây là cách tuyệt vời để thu hút người dùng có nhu cầu truy cập vào website. Tuy nhiên bạn cần phải có kế hoạch chạy quảng cáo phù hợp. Kiểm tra thường xuyên và chắc chắn giá trị chuyển đổi mà nó mang lại là tốt cho bạn. Nếu không bạn rất dễ lỗ vốn so với dự kiến đầu tư ban đầu
1.3. Search Engine Marketing – SEM
Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm, đúng như tên gọi của mình, SEM bao hàm cả việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm tự nhiên bằng SEO và mua lượt truy cập về website của bạn qua PPC (SEM = SEO + PPC). Đây là cách hữu hiệu và nhanh nhất để gia tăng lượng truy cập, cũng như độ phổ biến đối với những website mới.
SEM được đa số doanh nghiệp sử dụng vì trong khi đang tối ưu hóa website của mình với SEO (miễn phí nhưng tốn nhiều thời gian), thì bạn vẫn có thể quảng bá sản phẩm, truyền đạt thông điệp đến tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc nhược điểm của SEM là chi phí. Vị trí website như thế nào trong kết quả của các công cụ tìm kiếm sẽ do sự cạnh tranh mà từ khóa bạn chọn.
1.4. Content Marketing
Content Marketing là sản xuất nội dung chất lượng được thiết kế phục vụ những người dùng trong thị trường của bạn. Khi những người đó tìm kiếm các từ khóa liên quan họ sẽ đọc được bài viết và tìm hiểu thêm về thương hiệu.
Việc phát triển nội dung trong Digital Marketing đề cao sự sáng tạo đồng thời cần phải xoay quanh một nhóm từ khóa. Việc đầu tư nghiên cứu và xây dựng nhóm từ khóa ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiếp cận đúng nhóm đối tượng. Ngoài ra bạn sẽ định hướng được nội dung cho website của mình, tránh trùng lập hay thiếu ý tưởng. Việc có nhiều nội dung hữu ích cũng góp phần làm tăng thứ tự xếp hạng của website trong các công cụ tìm kiếm.
1.5. Social Media Marketing – SMM
Marketing truyền thông mạng xã hội là một phương pháp quan trọng trong Digital Marketing. Lợi thế tốt nhất mà nó mang lại là hoàn toàn miễn phí và tăng sự tương tác với người dùng. Khi mọi người yêu thích hoặc chia sẻ bài đăng của bạn, nó sẽ nhận được phản hồi cũng như lòng tin của những khách hàng tiềm năng khác.
Đừng chỉ đăng những bài quảng cáo mà hãy tạo ra giá trị thật sự cho người dùng. Đây là cách để bạn khẳng định thương hiệu và đi một chặng dài trong sự nghiệp kinh doanh của bạn. Và tất nhiên, hiện nay có rất nhiều mạng xã hội, bạn cần phải chọn đúng kênh cho sản phẩm mà mình đang kinh doanh để đạt được kết quả cao nhất. Ví dụ để kinh doanh các sản phẩm cần quảng bá hình ảnh bạn nên chọn Instagram, còn để xây dựng một thương hiệu thì Facebook là lựa chọn tuyệt vời.
1.6. Affiliate Marketing
Affiliate Marketing dịch sang tiếng Việt sẽ là tiếp thị liên kết. Đây là cách quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của nhà cung cấp thông qua các kênh quảng bá trực tuyến (blog, fanpage, group, …) của các đối tác kiếm tiền đến khách hàng. Nói một cách dễ hiểu, một số công ty sẽ cho bạn quảng cáo sản phẩm của họ trên website của bạn, nếu một trong những người dùng truy cập website của bạn mua sản phẩm của họ, bạn sẽ được nhận hoa hồng.
Đây là một hình thức tối ưu nhất của Digital Marketing dựa trên hình thức tính phí quảng cáo khi nó dựa trên hành động của người mua hàng
1.7. Email Marketing
Email Marketing là một hình thức Marketing trực tiếp và hiệu quả nhất của Digital Marketing. Bởi vì sao? vì đây là cách bạn đang giao tiếp với các cá nhân trực tiếp, trên công cụ mà họ kiểm tra hằng ngày: họp thư email của họ. Việc này sẽ tạo ra những liên kết của khách hàng đến những thông tin tuyệt vời, nội dung tốt hay dòng sản phẩm mới trên website của bạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo được sự đồng thuận của người dùng trước khi thêm họ vào danh sách email của bạn. Nếu không thì bạn chỉ là người gửi thư rác và cách này gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của bạn.
2. Digital Offline Marketing bao gồm những gì?
2.1. Enhanced Offline Marketing
Đây là hình thức Digital Marketing hoàn toàn ngoại tuyến, được sử dụng hoàn toàn bằng các thiết bị điện tử. Ba loại hình phổ biến của nó là: bảng quảng cáo điện tử, trình diễn sản phẩm kỹ thuật số và các mẫu sản phẩm số.
2.2. Television Marketing
Không ai là không biết đến Quảng cáo truyền hình, nó đã xuất hiện rất lâu, có thể nói là ngay sau sự ra đời của TV. Tuy nhiên quảng cáo truyền hinh vô cùng tốn kém, nhưng nó vẫn là một kênh quảng cáo hữu hiệu hiện nay. Bởi vì đa phần nhiều người vẫn còn xem truyền hình nhiều giờ mỗi ngầy. Đặc biệt là trẻ em và các bà nội trợ, khách hàng tiềm năng và trực tiếp tạo ra giá trị cho các mẫu quảng cáo của bạn.
Các loại hình phổ biến của Television Marketing hiện nay là: quảng cáo truyền hình và tài trợ chương trình.
2.3. Phone Marketing
Marketing qua điện thoại di động là kênh phát triển nhanh nhất và phổ biến nhất của Digital Offline Marketing. Các loại hình quảng cáo phổ biến trên điện thoại di động hiện nay là qua tin nhắn văn bản hoặc quảng cáo trên các ứng dụng di động. Tin nhắn di động có thể dưới dạng mã giảm giá, quà tặng, chương trình khách hàng thân thiết, … Còn trên các ứng dụng di động, bạn có thể áp dụng phương pháp trả phí hoặc quảng cáo ứng dụng chéo để người dùng xem và cài đặt sản phẩm của bạn.
2.4. Radio Marketing
Radio Marketing đã từng là kênh quảng cáo rất hữu hiệu, kể từ khi có sự xuất hiện của internet. Tuy nhiên nó vẫn là một kênh marketing quan trọng khi mà chúng ta có thể bắt gặp radio hằng ngày trên các loa phát thanh phường hay lúc ngồi trên xe ô tô. Hai loại hình phổ biến của Radio Marketing là quảng cáo trên đài và hiển thị tài trợ.
Kết Luận về Digital Marketing
Digital Marketing đang dần len lỏi vào đời sống và khẳng định vị thế của mình. Chúng ta không phủ nhận giá trị của Marketing truyền thống. Tuy nhiên để “hợp thời” và phát huy tối đa hiệu quả tiếp thị chúng ta cần phải tìm hiểu và áp dụng phương pháp Marketing mới này.
Bài viết trên chỉ là phát họa tổng thể về bức tranh muôn màu mang tên Digital Marketing. Để hiểu sâu và tường tận hơn, các bạn cần đào sâu nghiên cứu vào từng mảng của Digital Marketing. Cũng giống với Marketing truyền thống, một phương pháp không thể giúp bạn tiếp cận được đến tất cả khách hàng của mình. Cần phải có kế hoạch bao quát, kết hợp đa chiều nhiều phương pháp Digital Marketing để hiệu quả tiếp thị của bạn là tốt nhất.